AcDieu225
Co Vang

Chuyện vui XHCN (Xấu Hết Chỗ Nói)

Trong một xã hội ưu việt mà tất cả sự việc xảy ra theo lối hành xử của nhà cầm quyền Hà Nội có thể gom lại thành tuyển tập truyện cười không đoạn kết. Tràm Cà Mau đã cô đọng vài nét tiếu lâm đặc trưng của nhà nước XHCN (Xấu Hết Chỗ Nói) sau khi hàn huyên cùng bạn hữu là những người đã từng sống và phục vụ cho chính quyền Hà Nội. Một anh bạn sống tại Ba Lan, một từ Nga và ông khác từ xứ Nicaragua. Cái thâm thuý của người Bắc, kín đáo của người Trung, và sự cởi mở của người Nam trong những năm xa quê đã tạo nên những phiếm luận vừa vui, vừa tội nghiệp và nó làm cho ta cảm thấy xót xa khi nghĩ về Việt Nam mến yêu ...

Từ miền Nam ra Bắc, năm 1945 ông Tý đang miệt mài đèn sách tại đại học Hà Nội, hy vọng ra trường được bổ dụng làm quan tham tá, thì xếp bút nghiên theo tiếng gọi của sông núi. Cầm súng đánh đuổi giặc Tây đang trở lại, để dành độc lập cho quê hương. Năm 1954 nước Việt Nam chia cắt ra hai miền, ông đi tập kết ra Bắc. Năm 1975, sau khi miền Bắc chiến thắng trong cuộc nội chiến tương tàn do súng đạn ngoại bang cung cấp và thúc dục, ông hân hoan trở về. Trong trí tưởng tượng của nhiều người bà con giòng họ, thì ông là một kẻ anh hùng oai phong lẫm liệt, cưỡi ngựa chiến, mang chiến bào, cầm gươm báu sáng ngời chỉ vào thiên địa hiên ngang. Nhưng họ thất vọng, vì thấy ông, mặt mày bủng beo hốc hác, tiều tụy, chân mang dép râu, đầu đội nón cối sờn mục và áo quần nhàu nát lụng thụng màu phân ngựa. Trong một bữa ăn đoàn viên do bà chị ông tổ chức.
Một người cháu trẻ tuổi hỏi: “Trong chế độ cộng sản, thanh thiếu niên có quyền yêu đương không?”
Ông cười đáp: “Được chứ, đó là tự do cơ bản, ai cũng có quyền, nhưng phải báo cáo và thông qua tổ chức. Được tổ chức cho phép thì tha hồ, nhưng nếu tổ chức không chấp thuận, thì không nên tiếp tục tình yêu sai trái đó”.
Đứa cháu nhún vai cười mĩm. Hỏi tiếp: 
“Thưa chú, người ta nói rằng, chế độ tư bản bất công, người giàu kẻ nghèo chênh lệch. Chế độ cộng sản tạo được công bằng gần như tuyệt đối, là mọi người đều khốn khổ bần cùng như nhau. Ngoại trừ một nhóm đảng viên cao cấp. Có đúng như vậy không?”
“Tuyên truyền phản động. Nhưng có lẽ không phải là không có cơ sở” - 
Ông Tý gắp một mớ cá lòng tong kho tiêu vào chén. Ông hỏi: 
“Cá nầy là cá gì mà ngon quá. Kho tiêu cay, ăn thấm miệng”.
Bà chị dâu ông cười và trả lời : “Đây là cá lòng tong”.
- “Cá lòng tong lá cá gì?”
- “Là một loại cá voi, đã được sống trong xã hội chủ nghĩa lâu năm.”
Cả nhà đều cười. Ông Tý đỏ mặt, nhưng không muốn tranh luận làm chi với những người mà ông cho là cực kỳ phản động. Ông Tý hỏi: 
“Ở đây có ai biết cái khác nhau giữa xã hội chủ nghĩa với tư bản chủ nghĩa? Tại sao ta xây dựng xã hội chủ nghĩa?”
Đứa cháu lại nghiêm mặt và trả lời: 
“Trong tư bản chủ nghĩa, thiểu số tư nhân giàu có bóc lột nhân dân lao động. Trong xã hội chủ nghĩa, thiểu số của thiểu số đảng viên cầm quyền bóc lột toàn nhân dân, triệt để và khốc liệt hơn. Xã hội chủ nghĩa được xây dựng nên, cho người người được dịp làm biếng hơn, phè hơn, hoặc không làm chi cả cho khỏe”.
Ông Tý chưa kịp phản ứng thì bà chị dâu lại hỏi: 
“Tôi đố chú, nói được sự khác nhau ở dưới địa ngục tư bản, và địa ngục cộng sản?”
Ông Tý lúng túng:
 “Tôi không biết. Chị nói cho tôi nghe với”.
- “Dưới địa ngục tư bản, người có tội phải nhảy bàn chông, và tắm vạc dầu. Dưới địa ngục xã hội chủ nghĩa, cũng như vậy, nhảy bàn chông và tắm vạc dầu. Nhưng rất nhiều khi, thiếu chông, và thiếu dầu, nên chỉ nhảy sàn đất, và tắm không khí mà thôi”.
Cả nhà cùng cười. Ông Tý nói: 
“Thật là phản động và bôi bác.”
Đứa cháu gái kêu ông Tý bằng cậu nói: 
“Cậu biết không? Cách nay nhiều năm, trước thời chiến tranh, có một ông già nhà giàu vào một tiệm bách hóa và trả tiền mua hết tất cả hàng hóa trong tiệm, nhưng không mang về, để lại tặng không cho các khách hàng đến sau ông, họ khỏi trả tiền. Chủ tiệm cười, sung sướng đồng ý. Ông già bắc ghế ngồi trước cửa tiệm xem chơi. Sau khi vài người khách vào tiệm mua, được cho không khỏi trả tiền, thì dân chúng ào ào kéo đến. Mười lăm phút sau, cả cái tiệm thành đống rác, đổ vỡ tan hoang. Ông già ngồi cười. Chủ tiệm mếu máo hỏi ông già rằng: 
“Ông có thù ghét chi tôi không mà hại tôi đến thế? Tan nát cái tiệm rồi. Từ nay làm sao buôn bán chi được nữa? Ác chi mà ác đến thế ông ơi! Tại sao thế? “. Cụ già chậm rải giải thích: 
“Tôi đã già quá. Tôi biết không thể sống cho đến ngày cộng sản vào đây. Tôi muốn được thấy tận mắt thế nào là xã hội cộng sản”.
Bố của cháu gái lườm mắt nhìn con và nói: 
“Để cho cậu của con ăn ngon miệng, nói chi ba cái chuyện tào lao mà nghẹn họng, nuốt không vô. Ngày vui đoàn tụ mà”.
Đứa cháu gái trả lời: 
“Nhưng con không ưa chế độ, xã hội đó”.
Ông Tý nhìn đứa cháu gái và nói: 
“Cậu hỏi con rằng, trong xã hội tư bản, con có thể bỏ việc mà đi chơi bất cứ khi nào con muốn không?”
- “Không bao giờ”.
- “Trong xã hội tư bản, con có thể lấy phương tiện, vật liệu của sở về xây nhà riêng không?”
- “Không bao giờ”.
Ông Tý dồn tiếp: 
“Trong xã hội tư bản, con có thể dùng thời giờ của sở để xây nhà riêng không?
- “Không bao giờ”.
- “Chú cho con biết, trong xã hội chủ nghĩa, mọi người đều làm được những điều đó. Thế thì tại sao con không ưa thích xã hội chủ nghĩa?”
Một đứa cháu khác hỏi tiếp: 
“Đọc nghị quyết của đảng cộng sản, cháu thấy họ viết rằng: ‘Trước đây chúng ta đang đứng trên bờ vực. Từ đó đến nay, chúng ta đã tiến được nhiều bước vượt bực.’ Đứng trên bờ vực mà tiến được nhiều bước vượt bực, thì có lộn mèo xuống hố hay không? Trong bài diễn văn gần đây, đồng chí tổng bí thư có đọc: ‘Chế độ cộng sản đang ở chân trời.’ Có nghĩa là sao?”.
Thằng cháu nhỏ khác cười giải thích: 
“Chân trời là cái ranh giới trông vào thì thấy như mặt đất giáp trời. Nhưng càng đi đến, thì càng xa, và không bao giờ gặp cả”.
Ông Tý đang nuốt miếng thịt heo béo bùi mà nghẹn họng, đưa tay vuốt ngực, ho hen. Bà chị dâu lại hỏi: 
“Tôi đố chú, nếu chế độ cộng sản thành lập được giữa sa mạc Sahara, thì chuyện gì sẽ xảy ra sau đó?”
- “Tôi không biết”.
 - “Thì chỉ trong vài năm thôi, sa mạc sẽ thiếu cát, và phải nhập cảng cát. Tương tự Liên Xô, là một xứ nông nghiệp, mà mấy chục năm qua phải nhập cảng lương thực”.
Bà chị dâu nhìn ông Tý mà hỏi thêm: 
“Chú nói ở miền Bắc, dân chủ gấp vạn lần các xứ tư bản. Thế thì chú có thể đứng ở lăng Bác Hồ, kêu tên Bác ra mà chữi Bác ngu hay không?”
Ông Tý nhìn mọi người, rồi nói: 
“Tôi có thể làm điều ghê gớm hơn nữa, mà chẳng sợ rắc rối, chẳng ai bắt bớ tôi”.
- “ Điều gì?”
- “Tôi có thể ra ị trước lăng Bác, mà không ai làm gì tôi cả. Dân chủ quá đi chứ?”
- “Có thật không?” Bà chị dâu tròn mắt ngạc nhiên hỏi.
Ông Tý cười bí hiểm, nói: 
“Cứ ị mà đừng tuột quần xuống thì thôi. Ai mà bắt bẻ?”
Đang ngồi ăn, bỗng nghe tiếng đạn đại bác bắn đì đùng. Bà chị dâu sợ hãi, hỏi ông Tý: 
“Có chuyện chi mà bắn súng dữ vậy? Có gì nguy hiểm không?”
Ông Tý giải thích: 
“Đồng chí bí thư thành phố Mát-cơ-va qua thăm, tham quan ngoại giao.”
Bà chị nhăn mặt nói: 
“Thế thì không ai bắn giỏi cả hay sao, mà bắn hoài không trúng ông ấy?”
Chị ông Tý xen vào câu chuyện: 
“Nầy cậu Tý, tôi nghe nói, khi hấp hối, Bác Hồ nói với đồng chí Tổng bí thư rằng: ‘Ta lo lắm, liệu nhân dân có theo anh hay không?’ Đồng chí Tổng bí thư trả lời: ‘Chắc chắn theo’. Bác hỏi: ‘Có chắc không, nếu họ không theo thì sao?’ Đồng chí Tổng bí thư trả lời rất rành mạch rằng: ‘ Bác đừng lo. Họ phải theo tôi, nếu ai không theo tôi, thì tôi cho họ đi theo Bác ngay’. Chuyện nầy có thật hay không?”
Ông Tý lắc đầu nói: 
“Những chuyện bí mật của nhà nước như thế, chúng tôi không được quyền biết đến, và không ai được quyền tiết lộ.”

 

Acdieu

Tin Buồn

TIME